Mùa dịu dàng ở non nước Cao Bằng

By

.


thác bản giốc cao bằng

Trong khi người người náo nức lên đường mùa lúa chín, mùa săn mây thì tôi để dành những ngày nghỉ của mình để khám phá mùa khô nơi non nước Cao Bằng khi trời đã sang đông.

huyện hạ lang cao bằng

Điểm dừng chân đầu tiên là khu vực đồi cỏ Ba Quáng, xã Vinh Quý, huyện Hạ Lang. Chỉ sau 15 phút đi bộ lên đỉnh đồi, tôi choáng ngợp trước khung cảnh ở phía trước tầm mắt. Những đồi cỏ vàng rộm nối tiếp nhau trên nền núi đồi xa xa. Cái màu của hoàng hôn hoang hoải trong tiết trời se sắt khiến cho ngọn đồi chuyển thành “màu cỏ cháy”. Lác đác lều trại của vài nhóm bạn trẻ đã được dựng lên. Tôi cùng người bạn đồng hành là cậu con trai cũng nhanh chóng dựng căn lều xinh xắn và chuẩn bị củi để nhóm lửa sưởi ấm.

Sáng hôm sau, chúng tôi đến với vùng đất Lục Khu ở huyện Hà Quảng – nơi thường được coi là cao nguyên đá của Cao Bằng. Cung đường thử thách người cầm lái với nhiều dốc cao và khúc cua liên tiếp. Những ngôi nhà lợp ngói âm dương ẩn hiện giữa núi đồi. Tôi liên tục tìm những điểm đỗ an toàn để dừng xe ngắm cảnh và chụp hình những vạt đồi ngút ngàn cây Sau sau (hay còn gọi là Phong hương). Ghé vào bản của người Tày, tôi và con trai tranh thủ trò chuyện, chia kẹo cho các em nhỏ. Những ánh mắt thơ ngây còn dõi theo chúng tôi cho đến lúc xe lăn bánh rời khỏi bản.

thác bản giốc

Buổi chiều, chúng tôi bon xe tới hồ Nà Tấu (xã Bế Triều, huyện Hòa An) trước khi trời tối hẳn. Nơi đây vốn được truyền tai về vẻ đẹp thơ mộng khi những vòm lá cây Sau sau chuyển màu đỏ ối vào độ đầu đông. Dù nắng đã tắt nhưng những tán lá đỏ ven hồ nước vẫn tô vẽ rõ ràng khung cảnh nên thơ nơi này. Thong dong trên mặt nước là cảnh dân chài đang buông lưới. Non nước càng thêm hữu tình khi trăng lên, ánh sáng dịu dàng lan tỏa không gian tĩnh lặng. Lâu lắm rồi tôi mới được ngắm ánh trăng miền quê khơi gợi bao kí ức yên bình xa xưa.

Trùng Khánh là điểm đến cuối của hành trình vì tôi muốn dành nhiều thời gian để tận hưởng thiên nhiên vốn đã thường được ca tụng nơi đây. Các đợt không khí lạnh yếu ùa về trước đó làm cho những cánh rừng bắt đầu chuyển màu. Rõ nét nhất là ở khu vực hồ Bản Viết. Đây là một hồ nước ngọt rộng khoảng 5ha, được ví như viên ngọc xanh giữa núi non kì vĩ. Nép mình bên hồ là những bản làng Tày, Nùng bình yên. Hồ Bản Viết tĩnh lặng, nước trong soi bóng những áng mây trắng bồng bềnh. Đẹp nhất phải kể đến là những rặng cây Sau sau ven hồ. Mùa cây lá đỏ càng ngày càng được nhiều du khách biết và tìm đến đây, đi bộ ngắm cảnh trên con đường mòn quanh hồ.

hồ bản viết

Cách hồ Bản Viết tầm 3km là biểu tượng của Cao Bằng cũng như hình ảnh thân thuộc nơi địa đầu Tổ quốc – thác Bản Giốc. Mỗi mùa con thác hùng vĩ này có vẻ đẹp riêng. Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9, thác nước đổ ầm ầm tung bọt trắng xóa. Mùa khô thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau, dòng thác chảy hiền hòa giống như những dải lụa trải dài trên phiến đá. Không quá lời khi ví thác Bản Giốc mùa này là nàng thơ e thẹn của núi rừng.

Khép lại hành trình, ngắm những khung hình lãng mạn, bình yên ở xứ sở non nước hữu tình khiến tôi thầm nghĩ rằng, tôi đã đi ngang mùa dịu dàng nhất ở Cao Bằng.

Nguồn: Heritage Vietnamairlines

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

SHOP MORE

Fresh & tasty good